Diễn biến Chiến_dịch_Lublin-Brest

Giải phóng Lyublin

Bản đồ mô tả các chặng đường chiến đấu và trở về tổ quốc của Tập đoàn quân Ba Lan 1 (1943-1944)

5 giờ 30 phút ngày 18 tháng 7, 5 tập đoàn quân của Phương diện quân Byelorussia 1 đồng loạt nổ súng tấn công tại khu vực cánh phải của Phương diện quân ở phía nam đầm lầy Polesya, đánh vào chỗ tiếp giáp giữa Cụm Tập đoàn quân Bắc Ukraina và Cụm Tập đoàn quân Trung tâm (Đức). Trên hướng Kovel, cánh trái của Phương diện quân Byelorussia 1 đã tập trung hơn 200 khẩu pháo trên một km chính diện. Các lữ đoàn và trung đoàn Katyusha đã phóng đi 77.300 quả đạn. Trên phòng tuyến của quân Đức, một khung cảnh hỗn độn hiện ra trong vòng 45 phút. Lửa, khói, bụi, nước và bùn đất bị sức nổ bốc lên cao và rơi xuống khắp nơi, che lấp cả ánh mặt trời mùa hè mọc lên từ rất sớm. Các nguyên soái Liên Xô G. K. Zhukov và K. K. Rokossovsky đã lên đài quan sát của tướng V. I. Kazakov, chỉ huy pháo binh của Phương diện quân Byelorussia 1 để chỉ đạo các trận đánh.[14]

Để tăng cường phòng thủ trên hướng này, thống chế Walter Model đã điều Sư đoàn xe tăng 14 vừa từ mặt trận Romania chuyển đến tới trấn giữ tại tuyến sông Tây Bug, đoạn đi qua Domachyevo (Damacava), Volodava và Khelm hợp lực với Sư đoàn xe tăng 5 SS "Wiking". Tuy nhiên, hàng trăm nghìn quả đạn pháo và hàng trăm tấn bom các loại từ 855 phi vụ của Tập đoàn quân không quân 6 (Liên Xô) đã không cho phòng tuyến của Tập đoàn quân xe tăng 4 và Tập đoàn quân 2 (Đức) có cơ hội tồn tại thêm dù chỉ trong một giờ. 6 giờ 15 phút, Tập đoàn quân xe tăng 2, các quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 và 7 trong Cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliyev lập tức được đưa vào cửa đột phá. Tập đoàn quân 47, Tập đoàn quân cận vệ 8 và Tập đoàn quân 69 triển khai tấn công thành hình rẻ quạt xòe ra hai bên. Tập đoàn quân 47 nhằm hướng Domachyevo, Tập đoàn quân cận vệ 8 nhằm hướng Demblin (???), Tập đoàn quân 69 tiến công dọc theo đường sắt Kovel - Khelm.[3][8].

Lực lượng Quân đội nhân dân (Armia Ludowa) của Đảng Công nhân Ba Lan tại Lyublin năm 1944

17 giờ chiều ngày 18 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 2 đã xuyên thủng phòng tuyến của Quân đoàn bộ binh 20 (Đức) tại Ratno (Ratne) trên sông Pripyat. Quân Đức buộc phải lùi về giữ tuyến sông Tây Bug. Trong khi Tập đoàn quân xe tăng 2 còn chờ công binh làm đường vượt qua đầm lầy và hồ ở thượng nguồn sông Ryzhovka thì các quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 và 7 đã ngay lập tức triển khai đội hình truy kích quân Đức đến bờ sông Tây Bug. Ngày 19 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 2 (Liên Xô) đã có mặt ở Volodava, Quân đoàn xe tăng 11 cũng có mặt trên hữu ngạn sông Tây Bug. Theo sau họ là các sư đoàn bộ binh Ba Lan thuộc Tập đoàn quân Ba Lan 1.[8][15] Trong cả ngày 20 tháng 7, Sư đoàn xe tăng 14 và Sư đoàn xe tăng SS "Wiking" (Đức) dùng toàn bộ pháo tăng để cố ngăn cản công binh Liên Xô bắc cầu qua sông Tây Bug. Trong khi pháo binh của phương diện quân còn bị rớt lại sau, tướng I. S. Bogdanov điều các trung đoàn pháo tự hành ra sát bờ sông yểm hộ cho công binh. Đến sáng ngày 21 tháng 7, ba cầu pháo cho xe tăng và hai cầu gỗ cho bộ binh, kỵ binh đã hoàn thành. Xe tăng Liên Xô ào ạt đổ quân sang tả ngạn sông Tây Bug và tiếp tục tấn công.[16]

Ngày 22 tháng 7, Cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliyev được lệnh giảm tốc độ tấn công để Tập đoàn quân Ba Lan 1 theo kịp. Quân đoàn xe tăng 11 (Liên Xô) vượt lên phía trước, mở đường cho Tập đoàn quân Ba Lan 1 và Quân đoàn kỵ binh cận vệ 7 tiến thẳng về Lyublin và Demblin. Tập đoàn quân xe tăng 2 và Tập đoàn quân cận vệ 8 nhằm hướng Warshawa. Quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 kéo quân đánh thốc lên nhà ga đầu mối Lukov (Lukow), cắt đường rút lui của cụm quân Đức tại Brest về Warrshawa và Radom. Tập đoàn quân 69 đã vượt qua Khelm cũng nhằm hướng Pulawy. Tập đoàn quân 47 cùng với Tập đoàn quân 70 được điều động từ thê đội 2 lên phía trước, bẻ hướng lên phía bắc, tiến công qua Vinitsye (???) lên phía tây Brest.[3]

Mục tiêu giải phóng Lyublin mang ý nghĩa chính trị lớn như I. V. Stalin đã chỉ ra: "... ngay lập tức cần phải có một môi trường chính trị để người Ba Lan thể hiện nguyện vọng về một nước Ba Lan dân chủ, độc lập".[17] Đêm 22 tháng 7, Quân đoàn xe tăng 3 thuộc Tập đoàn quân xe tăng 2 và Quân đoàn xe tăng 11 đã bắt đầu công kích vào hướng Lyublin cùng với Sư đoàn bộ binh Ba Lan 1 thuộc tập đoàn quân Ba Lan 1). Mũi công kích của Quân đoàn xe tăng 3 nhằm thẳng vào chỗ tiếp giáp giữa Quân đoàn bộ binh 20 và Quân đoàn bộ binh 27 (Đức) đang phòng thủ tại đây và đã nhanh chóng xuyên thủng tuyến phòng thủ đó. Chiều 22 tháng 7, quân đội Liên Xô đã bao vây Lyublin từ ba phía. Tuyến đường bộ Lyublin - Pulawy cũng bị cắt đứt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống hậu cần của quân Đức và góp phần chặn đường quân Đức đang rút lui khỏi khu vực Lyublin về Radom và Warshawa.[15].

Quân đội Liên Xô đang kiểm tra các lò thiêu người của trại tập trung Majdanek.

Thành công nhanh chóng trong ngày đầu tiên đã đem lại một số điều chỉnh trong kế hoạch tấn công của quân đội Xô Viết. Sáng ngày 23 tháng 7, lực lượng xe tăng tổng công kích thành phố. Quân Đức nhanh chóng bị quét sạch khỏi khu vực ngoại vi, nhưng khi tiến vào nội đô, do thiếu lực lượng bộ binh tùng thiết, quân đội Liên Xô bị chặn lại ở quảng trường Loketka. Tuy nhiên, cùng lúc đó cuộc lực lượng du kích Ba Lan thuộc quân đội Armia Krajowa tiến hành khởi nghĩa, làm giảm nhẹ khó khăn cho mũi tấn công của phía Liên Xô. Trong quá trình tấn công, vào ngày 23 tháng 7 chỉ huy tập đoàn quân xe tăng số 2 - trung tướng S. I. Bogdanov - không may trúng đạn bị thương và tham mưu trưởng - thiếu tướng A. I. Radziyevskiy - lên thay thế; tuy nhiên sự gián đoạn này không ngăn cản được đà tiến công của quân đội Liên Xô[8]

Ngày 23 tháng 7, Quân đoàn xe tăng 3 (Tập đoàn quân xe tăng 2), Quân đoàn xe tăng 11 (độc lập) và Sư đoàn bộ binh Ba Lan 1 đột kích vào thành phố. Đến sáng ngày 24 tháng 7, quân Đức trước sức ép của quân đội Liên Xô buộc phải triệt thoái khỏi Lyublin, tuy nhiên một phần đáng kể trong số họ đã không chạy thoát được. Vào buổi trưa, các mũi tấn công của Liên Xô tổ chức tổng công kích vào trung tâm Lyublin. Sáng hôm sau, Lyublin, thành phố lớn đầu tiên của Ba Lan được giải phóng. Quân đội Liên Xô bắt được 2.228 tù binh trong đó có thiếu tướng SS H. Moser.[15] Trong quá trình đánh chiếm thành phố, ngày 24 tháng 7 quân đội Liên Xô đã giải phóng trại tù nhân Majdanek và phát hiện ra nhiều bằng chứng về tội ác của Đức Quốc xã trong trại tập trung này.[18][19] Ngày 25 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 2, các tập đoàn quân 69, cận vệ 8 (Liên Xô) và Tập đoàn quân Ba Lan 1 đều tấn công đến sông Vistula. Ngày 27 tháng 7, Tập đoàn quân 69 vượt sông Vistula đánh chiếm một đầu cầu khá lớn ở Pulawy. Tập đoàn quân cận vệ 8 cũng đánh chiếm một đầu cầu nhỏ hơn ở Magnushev. Ngày 28 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 2 và Tập đoàn quân Ba Lan 1 đã có mặt ở Otvoytsk (Otwock) thuộc quận Praga, ngoại ô Đông Nam thủ đô Warshawa của Ba Lan.[20]

Giải phóng Brest

Trong khi cánh trái của Phương diện quân Byelorussia đang đột phá đến tuyến sông Vistula và kéo lên Warshawa thì cánh phải của nó gồm 4 tập đoàn quân và một cụm kỵ binh cơ giới cũng tiến hành các trận đánh hướng tới Brest, một trong những địa điểm đầu tiên hứng chịu cuộc tấn công xâm lược của quân đội Đức Quốc xã hơn 3 năm trước đó. Sau khi chọc thủng tuyến phòng thủ của các sư đoàn bộ binh 292, 541 và Sư đoàn kỵ binh 3 (Đức) tại tuyến Pinsk - hồ Shara và đánh chiếm Pinsk ngày 14 tháng 7, Tập đoàn quân 61 và Giang đội Pripyat thuộc Giang đoàn Dniepr (Liên Xô) tổ chức tấn công dọc theo kênh dào Dniepr - Tây Bug về hướng Kobrin. Ngày 18 tháng 7, Tập đoàn quân 61 đánh chiếm Kobrin, tiêu diệt một cứ điểm phòng thủ quan trọng ở phía đông Brest. Ngày 20 tháng 7, thêm một cụm cứ điểm phòng ngự vòng ngoài của quân Đức bị tiêu diệt tại Vidomlya (Vidamlia), đông bắc Brest.[21]

Do Tập đoàn quân 3 của tướng A. V. Gorbatov được điều chuyển cho Phương diện quân Byelorussia 2 làm nhiệm vụ tấn công Byelostok thay thế Tập đoàn quân 33 (Liên Xô) đã quá suy yếu và được rút về lực lượng dự bị của Đại bản doanh, Tập đoàn quân 48 phải dịch chuyển hướng tấn công lên thượng nguồn sông Narev, đánh vào Surazh(???). Tập đoàn quân 65 cũng dịch chuyển chính diện tấn công lên Belovezha (???) và Cheremkha. Tập đoàn quân 28 phải chia làm hai cánh, các quân đoàn bộ binh 20 và cận vệ 3 được giao nhiệm vụ tấn công Brest, Quân đoàn bộ binh 128 chuyển hướng tấn công vào Lositsye (???). Khoảng cách giữa các dải tấn công của các tập đoàn quân cánh phải thuộc Phương diện quân Byelorussia 1 bị giãn rộng. Lợi dụng điều này, ngày 22 tháng 7, Sư đoàn xe tăng xe tăng 6 và Quân đoàn bộ binh 6 Đức) tổ chức phản kích vào Cheremkha. Trước nguy cơ quân Đức đột nhập vào sau lưng Tập đoàn quân 28 đang tấn công vượt sông Tây Bug, ngày 23 tháng 7, nguyên soái K. K. Rokossovsky lệnh cho Tập đoàn quân 70 đã tập kết ở phía tây Brest bỏ nhiệm vụ tấn công thành phố, vượt sang phía phía bắc sông Tây Bug, trám vào lỗ hổng giữa Tập đoàn quân 28 và Tập đoàn quân 65 (Liên Xô) ở phía nam Cheremkha. Cuộc phản kích của ba sư đoàn Đức bị chặn đứng. Quân Đức rút về tuyến sông Tây Bug.[22]

Giải quyết xong mối đe dọa từ phía bắc, ngày 25 tháng 7, các tập đoàn quân Liên Xô đã khép vòng vây quanh thành phố và pháo đài Brest. Tập đoàn quân 28 (thiếu) từ phía bắc, Tập đoàn quân 47 từ phía tây và phía nam, Tập đoàn quân 61 từ phía đông. Bên trong vòng vây là quân của các sư đoàn bộ binh 86, 137 và 261 (Đức) đã bị nhốt trong một "cái chảo" tại thành phố Brest. Các sư đoàn này chống trả kịch liệt. Song, Tập đoàn quân 9 (Đức) đã không còn lực lượng rảnh rỗi để giải vây cho cụm quân này trong khi chủ lực của nó phải đang vội vã rút về tuyến sông Vistula để trốn một cái chảo lớn hơn có nguy cơ hình thành ở giữa sông Tây Bug và sông Vistula, trên khu vực giữa sông Tây Bug và sông Livets.[23] Số phận cụm tàn quân của ba sư đoàn Đức tại Brest được định đoạt sau ba ngày. Chiều 28 tháng 7, những toán quân Đức cuối cùng còn sóng sót nộp vụ khí đầu hàng. Sau hơn 3 năm bị quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng, thành phố Brest được giải phóng.[24]. Phần lớn quân Đức đã bị tiêu diệt trong "cái chảo" này.[25][26] Theo thống kê của quân đội Liên Xô, quân Đức mất 7.000 người chết và 110 người bị bắt[27].

Chiến sự ở vùng phụ cận phía đông Warshawa

Bố trí binh lực quân đội Đức và Liên Xô trong các ngày 1-4 tháng 8 năm 1944 tại khu vực xung quanh Warszawa, sông Narew và sông Wisla/Vistula.

Mũi tấn công của Tập đoàn quân xe tăng 2, Tập đoàn quân cận vệ 8 và Tập đoàn quân Ba Lan 1 lên hướng Magnushev - Otvotsk mở ra triển vọng có thể giải phóng thủ đô Warshawa của Ba Lan trong một tương lai gần. Không để mất thời gian, ngày 23 tháng 7, nguyên soái K. K. Rokossovsky lệnh cho các tập đoàn quân cánh phải của Phương diện quân Byelorussia 1 tiếp tục tấn công. Các tập đoàn quân 28, 48, 65 (Liên Xô) đồng loạt vượt sông Tây Bug và tiến vào lãnh thổ Ba Lan. Ngày 25 tháng 7, quân đội Liên Xô đã tiến đến tuyến sông Narev và đánh chiếm một số đầu cầu ở bờ Tây con sông này. Tập đoàn quân 48 chiếm được một bàn đạp nhỏ ở khúc cong của sông Nerev trên khu vực Ruzhan(???), Tập đoàn quân 65 chiếm giữ khu đầu cầu Pułtusk - Serock. Tuy nhiên, cuộc tấn công dài ngày đã làm cho các tập đoàn quân Liên Xô kiệt sức. Ngày 29 tháng 7, các tập đoàn quân 28 và 48 được rút về tuyến sau để củng cố. Theo đại tá I. N. Bazanov (tham mưu trưởng của Tập đoàn quân xe tăng 2 từ ngày 23 tháng 7), trong khoảng từ 23 tháng 7 đến 2 tháng 8, tập đoàn quân này đã chịu thiệt hại 1.433 người chết và mất tích.[28] Nguyên soát K. K. Rokossovsky phải điều Tập đoàn quân 47 từ Brest lên phía đông bắc Warshawa, tiếp quản trận tuyến của Tập đoàn quân 28.[20]

Cuộc tấn công bắt đầu khá thuận lợi cho Quân đoàn xe tăng cận vệ 8. Ngày 27 tháng 7, mũi tấn công của Quân đoàn xe tăng cận vệ 8 đã đánh tan cụm quân "Franek" tại Otwock, buộc Sư đoàn bộ binh 73 (Đức) phải vội vã rút chạy[29]. Chỉ huy của cụm quân bị đánh tan, tướng Franek bị bắt ngày 30 tháng 7[30]. Cũng trong ngày 27 tháng 7, Quân đoàn xe tăng cận vệ 3 đã đánh tan tiểu đoàn cơ giới trinh sát của Sư đoàn xe tăng "Hermann Goering" thứ nhất và đột phá đến cách quân Praga 20 cây số về phía đông nam[8]. Để bịt lại lỗ thủng, lực lượng chủ lực của Sư đoàn xe tăng "Hermann Goering" thứ nhất cùng các sư đoàn xe tăng SS "Đầu lâu" và "Wiking" được tung ra mặt trận, ngoài ra, các sư đoàn xe tăng 4, 19 cùng các sư đoàn bộ binh 35, 55 (Đức) cũng đang được điều động đến khu vực đột phá. Quân Đức đã tạo nên ưu thế lớn về xe tăng trên đoạn mặt trận Đông Warshawa.[31]

Ở thời điểm cuối năm 1944, tuyến phòng thủ sông Vistula được coi là tuyến phòng thủ "sống còn" của nước Đức Quốc xã, tương đương với tuyến Ardenes ở mặt trận phía tây. Đến cuối tháng 7 năm 1944, quân đội Đức Quốc xã đã điều động đến tuyến phòng thủ này nhiều đơn vị có sức chiến đấu cao của lục quân, không quân Đức Quốc xã và lực lượng SS. Ngày 26 tháng 7, khi Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô bắt đầu phiên họp thường kỳ để đánh giá tình hình và hoạch định phương hướng chiến lược tiếp theo cũng là ngày mà quân đội Đức Quốc xã bắt đầu tung ra đòn phản công đặc biệt mạnh trên cả ba hướng Đông, đông bắc và Đông Nam Warshawa. Trinh sát mặt trận và cả lực lượng tình báo chiến trường của quân đội Liên Xô đã không nắm được các thông tin cụ thể về cuộc phản công này.[32]

Ngày 28 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 2 đang tấn công trên hướng Otvotsk - Praga lên phía bắc đã bất ngờ vấp phải đòn phản công rất mạnh bằng xe tăng của quân đội Đức Quốc xã. Phải một ngày sau các trận đánh đẫm máu tại khu vực phụ cận Praga, phía đông Warshawa và bằng tính mạng của nhiều trung đội quân báo, trinh sát mặt trận của Phương diện quân Byelorusia 1 mới phát hiện ra sự xuất hiện của Sư đoàn xe tăng 4, Sư đoàn xe tăng 19, Sư đoàn xe tăng SS "Đầu lâu", Sư đoàn xe tăng SS "Wiking", Sư đoàn xe tăng "Hermann Göring" thứ nhất và các sư đoàn bộ binh 35, 55. Trong hơn một tuần tiếp theo, mặc dù quân Đức không thể đẩy lùi được Tập đoàn quân xe tăng 2 và Tập đoàn quân cận vệ 8 (Liên Xô) nhưng cái giá phải trả cho các trận đánh phòng ngự của quân đội Liên Xô là không nhỏ. Chỉ trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 26 tháng 7, một số đại đội của Tập đoàn quân xe tăng 2 chỉ còn 6 người, thay vì 90 người trong trường hợp đủ biên chế. Những thiệt hại về xe tăng cũng khá lớn, một số tiểu đoàn xe tăng của Quân đoàn xe tăng cận vệ 3 đã phải chiến đấu như bộ binh.[33] Tình hình mặt trận bắt đầu diễn biến bất lợi cho Phương diện quân Byelorussia 1. Do không nắm được tình hình xấu đi nhanh chóng tại khu vực mặt trận do K. K. Rokossovsky chỉ huy tại khu vực Volomin (Wolomin), ngày 30 tháng 7, Đại bản doanh Liên Xô vẫn ban hành mệnh lệnh cho Phương diện quân Byelorussia 1 với nội dung đưa Tập đoàn quân xe tăng 2 lên phía bắc, đánh chiếm các cầu vượt sông Wisla tại quận Praga thuộc vùng ngoại ô Warszawa ở bờ Đông sông Wisla, cánh phải của Phương diện quân Byelorussia 1 sau khi giải phóng Brest cũng hành tiến tới tấn công Siedlce.[34][35] Ngày 31 tháng 7, trả lời phỏng vấn của phóng viên Henry Manian của tờ báo Le Monde (Pháp) ngay tại Sở chỉ huy tiền phương của phương diện quân đặt tại thị trấn Otvoitsk ở Đông Nam Warshawa về câu hỏi liệu quân đội Liên Xô có vượt sông Wisla trong một ngày gần đây hay không, nguyên soái K. K. Rokossovsky cho rằng đây là một nhiệm vụ không thể thực hiện được:

Mọi ý định nhằm vượt sông Wisla tại thời điểm này của Quân đội Liên Xô đều chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại. Vấn đề gay go nhất hiện nay là chúng tôi đang bị uy hiếp bên sườn trái. Đúng hơn, đó là toàn bộ vấn đề".
— K. K. Rokossovsky.[36]

Từ ngày 28 tháng 7, tại khu vực Volomin bắt đầu các trận tao ngộ chiến ác liệt nhằm giành quyền kiểm soát các cây cầu và các con đường dẫn tới thủ đô Ba Lan từ phía đông. Do Quân đoàn xe tăng 11, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 20 và Tập đoàn quân số 47 vẫn còn đang đột phá cụm phòng ngự Siedlce của quân Đức cách Praga 50 km về phía đông, mũi tấn công của Tập đoàn quân xe tăng 2 lên Praga trở nên đơn độc. Ngày 29 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 2 điều Quân đoàn xe tăng cận vệ 3 và Quân đoàn xe tăng cận vệ 8 tấn công vào cánh trái của Cụm quân xe tăng Đức. Quân đoàn xe tăng 16 được giữ lại làm thê đội 2 ở Deblin chờ bộ binh Tập đoàn quân Ba Lan 1 kéo lên[29] để tạo thành mũi đột kích thứ hai nhằm vùng ngoại ô Praga của Warszawa, chia cắt các sư đoàn xe tăng Đức ra khỏi bờ Đông sông Wisla.[8]

Trong các ngày 28 và 29 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 2 Liên Xô liên tục đột phá nhằm cắt đứt tuyến đường Warszawa - Siedlce nhưng không thành công. Mũi thọc sâu của lực lượng này vào Praga trở nên mạo hiểm và trong vòng ít ngày sau đó họ lâm vào tình thế khó khăn khi hành tiến vào một "hành lang" hẹp xung quanh là quân Đức đang tập trung ngày càng nhiều binh lực, chủ yếu là xe tăng. Ngay từ ngày 30 tháng 7, Các sư đoàn xe tăng 4 và 19 (Đức) vừa đến mặt trận đã tổ chức phản kích vào lực lượng xe tăng của Liên Xô tại phía bắc Wolomin, cách 15 cây số về phía đông bắc Warszawa. Hướng tiến công của Quân đoàn xe tăng 3 trở nên khó khăn nhất khi họ vấp phải những đợt phản kích quyết liệt của 5 sư đoàn xe tăng Đức chia làm hai cánh, ép Quân đoàn xe tăng 3 và Quân đoàn xe tăng 8 (Liên Xô) vào giữa hai gọng kìm thép gồm 210 xe tăng các loại.[37] Ở phía tây bắc Wolomin, Sư đoàn xe tăng 4 và Sư đoàn bộ binh 35 (Đức) có 40 xe tăng từ Tsechelna (???) và Radzymin tiến ra vây bọc Lữ đoàn xe tăng 51 phía bắc Ulyasek (???). phía đông Volomin, Sư đoàn xe tăng "Hermann Goering" thứ nhất huy động 50 xe tăng từ Cherna Struga (???) tấn công vào Lữ đoàn xe tăng 50 đang phòng ngự tại Kobylka. phía nam Wolomin, Sư đoàn xe tăng 19 (Đức) huy động 30 xe tăng vượt sông Drugla đánh vào Lữ đoàn xe tăng 57 (Liên Xô) đang trấn giữ Ossuv (Ossow).[29]. Trước nguy cơ Sư đoàn xe tăng 19 (Đức) đột kích dọc sông Charna lên phía bắc, chia cắt 2 quân đoàn xe tăng (Liên Xô), thiếu tướng Aleksey Ivanovich Radziyevsky (thay trung tướng I. S. Bogdanov bị thương) phải rút các lữ đoàn xe tăng 51 và 57 về giữ Volomin và điều Trung đoàn pháo tự hành 1107 ra phối hợp với Lữ đoàn cơ giới 57 giữ Novizna (???).[37]

Tại bờ Đông sông Charna, Quân đoàn xe tăng cận vệ 8 (Liên Xô) cũng phải chống trả đòn công kích của 2 sư đoàn xe tăng Đức. Từ Tlush (Tluszcz) và Novyi Karashev (Nowy Kraszew), Sư đoàn xe tăng SS "Đầu lâu" huy động 40 xe tăng hướng đòn tấn công vào Lữ đoàn xe tăng 103 và trung đoàn pháo tự hành 1959 đang phòng thủ tại Majdan. Trung đoàn xe tăng 5 SS của Sư đoàn "Đầu lâu" và Sư đoàn bộ binh 55 (Đức) có 20 xe tăng từ Vulka Dombrovetska (Wolka Dabrowicka) tấn công Lữ đoàn xe tăng 109 (Liên Xô) đang phòng thủ tại Pasventnye (Poswietne). Từ Palernya (???), Sư đoàn xe tăng 5 SS "Wiking" cũng huy động 40 xe tăng tấn công lữ đoàn xe tăng 59 (Liên Xô) đang phòng thủ tại thị trấn Gurky (???), trên ngã ba sông Drugla và Charna. Đến ngày 4 tháng 8, Quân đoàn xe tăng 8 (Liên Xô) bị đánh bật sang bớ Tây sông Charna. Lữ đoàn xe tăng 103 rút sang Lipiny (???), Lữ đoàn xe tăng 109 rút sang Zabranets (???). Chỉ có Lữ đoàn xe tăng 59 vẫn giữ được thị trấn Gurky, "cái yết hầu" của hai quân đoàn xe tăng Liên Xô đang phòng thủ trên một hành lang hẹp dọc theo sông Charna.[29] Cuối cùng thì các quân đoàn xe tăng 3 và 8 cũng đã có lực lượng cứu viện khi các lữ đoàn cơ giới 15 và 28 kéo đến. Ngày 5 tháng 8, Tập đoàn quân xe tăng 2 (Liên Xô) đã sử dụng tất cả thê đội hai của nó gồm 3 lữ đoàn cơ giới và các lữ đoàn xe tăng 58, 107, 164 mở cuộc phản đột kích vào tuyến sông Drugla. Trong khi quân Đức đang triển khai binh lực để bao vây 4 lữ đoàn xe tăng 1 lữ đoàn cơ giới và 2 trung đoàn pháo tự hành Liên Xô tại khu vực Volomin thì đòn phản kích này đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn xe tăng 19, cánh trái của Sư đoàn xe tăng "Hermann Goering" và cánh phải của Sư đoàn xe tăng "Wiking" (Đức), mở một hành lang cho các lữ đoàn xe tăng và cơ giới Liên Xô ở Wolomin thoát ra. Ngày 6 tháng 8, Tập đoàn quân xe tăng 2 (Liên Xô) mặc dù bị thiệt hại nặng nhưng đã ổn định được tuyến phòng thủ tạm thời dọc theo con đường bộ từ Praga (Đông Warszawa) đi Minsk-Mazowiecky.[37] Đến ngày 8 tháng 8, Tập đoàn quân 47 (Liên Xô) đã kịp đến tiếp quản tuyến phòng thủ để Tập đoàn quân xe tăng 2 được rút ra hậu tuyến củng cố lại binh lực. Các nỗ lực phản kích của Đức Quốc xã đã giúp họ giữ được tuyến liên lạc phía tây của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, dù tuyến này bị gián đoạn một cách nghiêm trọng.[8]

Các tài liệu Đức và phương Tây xem các cuộc phản kích của quân Đức tại Warszawa là thành công, đã tiêu diệt hoặc ít nhất đánh thiệt hại nặng quân đoàn xe tăng số 2[25]. Tuy nhiên nếu thống kê thương vong của quân đội Liên Xô thì nhận định này tỏ ra không có cơ sở. Theo thống kê lưu trữ, từ ngày 20 tháng 7 đến 8 tháng 8, Tập đoàn quân xe tăng 2 (Liên Xô) thiệt hại 1.433 người chết, mất tích, bị bắt, trong đó thiệt hại tại Wolomin là 799 người[31][38]; giả thiết là Quân đoàn xe tăng số 3 gánh phần lớn số thương vong này, thì, so với quân số thực tế 8.000 đến 10.000 người của quân đoàn này thì khó có thể kết luận là nó "bị tiêu diệt".[29]

Chiến sự tại đầu cầu Magnuszew

Hoạt động tấn công của các sư đoàn bộ binh Ba Lan 2 và 3 phối hợp với Tập đoàn quân cận vệ 8 tại căn cứ đầu cầu Magnushev từ ngày 1 đến ngày 16 tháng 8 năm 1944

Sau khi xử lý xong mục tiêu Lyublin, tập đoàn quân xe tăng số 2 được lệnh tiến ra phía bắc tới Warszawa để chặn đường lui của tàn binh Cụm Tập đoàn quân Trung tâm[8]. Quân đoàn xe tăng số 11 và quân đoàn kỵ binh cận vệ số 2 sau khi thanh toán xong "cái chảo" Brest cũng hành tiến về sông Wisla, tiếp cận thủ đô Ba Lan. Ngày 25 tháng 7, các đơn vị tiên phong của Tập đoàn quân cận vệ số 8 và Tập đoàn quân xe tăng số 2 đã tiếp cận bờ Đông sông Wisla.[8] Ngày 27 tháng 7, tập đoàn quân số 69 tiếp cận bờ Đông sông đối diện với đầu cầu Pulawy và hai ngày sau đã đánh chiếm đầu cầu này. Ngày 30 tháng 7, các tập đoàn quân cận vệ số 8, tập đoàn quân xe tăng số 2 và tập đoàn quân Ba Lan số 1 cũng nhận lệnh vượt sông Wisla. Tập đoàn quân Ba Lan số 1 tổ chức vượt sông vào ngày 31 tháng 1, tuy nhiên do thiếu thốn vũ khí đạn dược, thiếu chuẩn bị và binh sĩ chưa đủ kinh nghiệm nên đã không thành công[39]. Đến ngày 1 tháng 8, Tập đoàn quân cận vệ số 8 cũng tổ chức vượt sông sớm tại khu đầu cầu Magnuszew. Mặc dù theo kế hoạch thì trận vượt sông diễn ra vào ngày 3-4 tháng 8, tuy nhiên tư lệnh Tập đoàn quân - tướng V. I. Chuikov - hy vọng dựa vào yếu tố bất ngờ sẽ có thể vượt sông thành công[33]. Quả thật Tập đoàn quân cận vệ số 8 đã nhanh chóng đánh chiếm đầu cầu này, mở rộng bàn đạp vượt sông ra 15 cây số với độ sâu 10 cây số. Từ bờ Đông sông Wisla quân đội Liên Xô có thể xây dựng 7 chiếc cầu tiếp tế cho số quân đóng ở Magnuszew, trong đó có chiếc cầu trọng tải 60 tấn.[40] Đánh giá rằng đầu cầu Magnuszew đủ lớn để khai thác, nguyên soái K. K. Rokossovsky hạ lệnh chuyển một lượng lớn binh lực sang khu vực này, trong đó bao gồm Tập đoàn quân Ba Lan 1.[41] Như vậy, đến đầu tháng 8, quân đội Liên Xô đã đánh chiếm được hai đầu cầu bên bờ Tây sông Wisla, rất có lợi cho chiến dịch Wisla-Oder sau này.

Hoạt động phòng ngự của các sư đoàn bộ binh Ba Lan 2 và 3 phối hợp với Tập đoàn quân cận vệ 8 (Liên Xô) tại căn cứ đầu cầu Magnushev từ ngày 16 tháng 8 đến ngày 12 tháng 9 năm 1944

Tuy nhiên, đó là tất cả những gì mà Quân đội Liên Xô đạt được trong tháng 7 năm 1944 tại khu vực phía đông Warshawa. Mũi tấn công lên phía bắc của Tập đoàn quân xe tăng 2 (Liên Xô) đánh không thắng đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến kế hoạch tấn công Warshawa của Phương diện quân Byelorussia 1. Sau 6 ngày liên tục tấn công từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 8 tại khu vực từ quận Praga (bờ Đông sông Wisla) đến thị trấn Vołka Dombrovitsa, 5 sư đoàn xe tăng và các sư đoàn bộ binh 35, 55 (Đức) đã tạo thành một "cái chèn sắt" chia cắt cánh phải và cánh trái Phương diện quân Byelorussia 1 có chiều sâu đến 40 km tính từ bờ Đông sông Wisla đến thị trấn Minsk-Mazowiecsky. Ở bờ Bắc sông Tây Bug, Tập đoàn quân 65 phải dựa vào sức mạnh của chính mình để giữ đầu cầu Pułtusk - Serock chống lại các Quân đoàn bộ binh 27 (Đức) có Sư đoàn xe tăng 6 yểm hộ.[42] Ở Ruzhan, phía bắc Pułtusk 30 km, Tập đoàn quân 48 cũng căng hết sức để chống laị Quân đoàn bộ binh 23 (Đức). Ở phía đông nam Warshawa, Tập đoàn quân xe tăng 2 đã suy yếu và Tập đoàn quân Ba Lan 1 đang mắc kẹt trên tuyến Praga - Mazowiecsky. Tập đoàn quân 8 đã đưa toàn bộ Quân đoàn bộ binh cận vệ 28 và một sư đoàn của Quân đoàn bộ binh cận vệ 4 vượt sông Wisla sang giữ đầu cầu Magnuszew. Ở giữa hai cánh quân đáng tiếp cận Warshawa là cái chèn bằng 7 sư đoàn xe tăng và bộ binh Đức. "Cái chèn sắt" này không chỉ chia cắt hai cánh của Phương diện quân Byelorussia 1 mà cùng với tuyến sông Wisla, nó còn chia cắt quân đội Liên Xô với quân khởi nghĩa Warshawa.[33]

Chiến sự tại đầu cầu Pułtusk - Serock

Cuối tháng 8 năm 1944, khu vực đầu cầu Magnushev đã bị quân Đức phong tỏa chặt chẽ, hướng tấn công chủ yếu của Phương diện quân Byelorussia 1 từ Otvotsk - Praga để tiếp cận Warshawa từ phía đông đã bị các sư đoàn xe tăng Đức chặn lại. Hướng vu hồi của Tập đoàn quân cận vệ 8 từ đầu cầu Magnushev vòng lên phía tây Warshawa cũng không phát triển được, Mặc dù Sư đoàn xe tăng 6 và ba sư đoàn bộ binh Đức không thể giành lại đầu cầu này từ tay các quân đoàn bộ binh cận vệ 4 và 28 (Liên Xô) nhưng nó cũng ngăn cản Tập đoàn quân cận vệ 8 triển khai tấn công từ trận địa có chiều sâu không quá 3 km tính từ sông Wisla. Để giải quyết bế tắc, nguyên soái K. K. Rokossovsky đã có biện pháp chuyển hướng đột kích vu hồi lên phía bắc khi các tập đoàn quân 65 và 48 đã tiếp cận sông Wisla. Trong văn bản phê chuẩn kế hoạch chiến dịch mới do G. K. Zhukov và K. K. Rokossovsky đệ trình và được Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô thông qua ngày 10 tháng 8 có khuyến nghị:

Phương diện quân Byelorussia 1 có thể bắt đầu Chiến dịch Warshawa sau khi các tập đoàn quân cánh phải tiến ra đến tuyến sông Narev và chiếm được các căn cứ bàn đạp ở bờ Tây sông Narev. Tuy nhiên, khi đội hình của các tập đoàn quân đó còn cách xa mục tiêu đến 120 km như hiện nay thì ít nhất phải 10 ngày sau mới có thể thực hiện được nhiệm vụ vượt sông. Vì vậy, cánh phải của Phương diện quân Byelorussia 1 cần phải tiến hành ngay các cuộc tấn công để đến 20 hoặc 22 tháng 8 có thể ra đến tuyến sông Narev
— STAVKA[43]

Tuy nhiên, thời hạn cam kết này đã không được thực thi. Do hệ thống đường sắt và đường bộ đã bị quân Đức phá hoại nghiêm trọng, do các đơn vị kỹ thuật và hậu cần tiếp tế còn tụt lại phía sau đến hàng trăm km, đến ngày 1 tháng 9, các tập đoàn quân 48 và 65 vẫn còn cách tuyến sông Narev hơn 30 km. Ngày 2 tháng 9, các quân đoàn bộ binh 46 và 105 với Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 được tăng cường phải mất trọn một ngày mới vượt qua được các cứ điểm Podvenloktky (???) và Tsisky (???). Ngày 3 tháng 9, các quân đoàn bộ binh 18, 46 và 105 mới chiếm được các vị trí Novye-Borrsuky (???), Kruchi-Borek (???), Golendry (???), Golsherovo-Luzha (???) và Lakha (???) bên bờ Đông sông Narev. Chỉ riêng một việc ưu tiên tất cả các phương tiện vận tải để đưa các đơn vị công binh lên phía trước và khẩn trương triển khai hệ thống cầu phao và cầu gỗ qua sông Narev, các tập đoàn quân 48 và 65 đã mất hai ngày để làm việc đó.[40]

Ngày 5 tháng 9, Lữ đoàn công binh hỗn hợp 14 của Tập đoàn quân 65 và Trung đoàn công binh cầu phà số 4 của Phương diện quân Byelorussia 1 đã hoàn thành việc xây dựng 9 cầu gỗ và 6 cầu phao có trọng tải lớn bắc qua sông Narev. Cả ba quân đoàn bộ binh của Tập đoàn quân 65 đều đồng loạt tấn công vượt sông. Ở khu vực Pułtusk, Lữ đoàn xe tăng 17 của Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 cơ động qua 2 cầu gỗ có trọng tải lớn đã đánh chiếm Karnevska (???), một hòn đảo giữa sông Narev, đối diện với thành phố Pułtusk; các sư đoàn bộ binh 15, 69 và cận vệ 37 của Quân đoàn bộ binh 18 vượt sông qua 3 cầu phao và 1 cầu gồ đánh chiến thị trấn Lubenitsa (Lubienica-Superunki), hất Quân đoàn bộ binh 23 (Đức) ra xa sông Narev 5 km về Pokshivnitsa (Pokrywnica). Ở giữa PułtuskSerock, các sư đoàn bộ binh 193, 354 và cận vệ 44 thuộc Quân đoàn bộ binh 105 vượt sông đánh chiếm làng Kalchelek (Karnieweck) và đuổi Quân đoàn bộ binh 27 (Đức) về Tsepelik (???). Ở khu vực Serock, các sư đoàn bộ binh 108 và 186 của Quân đoàn bộ binh 46 cũng vượt sông Narev và đánh chiếm thành phố Serock. Trung đoàn xe tăng 251 và các trung đoàn pháo tự hành 345, 922, 925 và cận vệ 344 cũng vượt sông sang chi viện cho các sư đoàn bộ binh. Để đề phòng bất trắc, tướng P. I. Batov giữ lại Sư đoàn bộ binh 75 và các lữ đoàn xe tăng cận vệ 15, 16, Lữ đoàn cơ giới cận vệ 1, các trung đoàn pháo tự hành 1001, 1296 làm lực lượng dự bị ở bờ Đông sông Narev. Toàn bộ pháo binh của Tập đoàn quân 65 được triển khai dọc bờ Đông sông Narev từ PułtuskSerock để yểm hộ cho căn cứ đầu cầu. Riêng các trung đoàn súng cối 6, 37, 43, 56, 62, 75 84 và 92 được đưa qua sông và phối thuộc cho các sư đoàn bộ binh. Dến ngày 9 tháng 9, căn cứ đầu cầu Pułtusk - Serock đã được mở rộng đến 25 km, sâu từ 8 đến 18 km.[42]

Cũng trong thời gian đó, từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 9, Tập đoàn quân 48 cũng tổ chức tấn công vượt sông Nerev ở phía bắc Pułtusk và đánh chiếm một đầu cầu tại khu vực Ruzhan, đẩy Quân đoàn bộ binh 20 (Đức) lùi sâu về tuyến sông Mlava. Trong tình huống cánh quân phía nam của Quân đội Liên Xô bị quân Đức chặn lại trên tuyến sông Wisla thì việc chiếm được hai khu vực đầu cầu tại Pułtusk, SerockRujan có y nghĩa rất quan trọng. Nó mở ra khả năng cho Phương diện quân Byelorussia 1 tiếp tục tấn công Sokoluv (???), Radzymin, Modlin (???), phía bắc Warshawa, phối hợp với cánh trái của Phương diện quân đột kích sang phía tây Warshawa và bao vây thành phố.[44]

Phát hiện mối nguy hiểm xuất hiện ở khu vực đầu cầu Pułtusk - Serock, ngày 7 tháng 9, thượng tướng Georg-Hans Reinhardt, tư lệnh mới của Cụm tập đoàn quân Trung tâm rút Sư đoàn xe tăng 5 SS "Wiking", Sư đoàn xe tăng 3 SS "Totenkopf", Sư đoàn xe tăng 19 khỏi khu vực Praga và điều đến khu vực đầu cầu Narev. Các sư đoàn bộ binh 252 và 542 (Đức) cũng được ném vào đây. Tướng Walter Weiss được lệnh phải thanh toán bằng được căn cứ đầu cầu Narev của quân đội Liên Xô trong 10 ngày. Nắm được tin tức của trinh sát báo cáo về việc ba sư đoàn xe tăng Đức trước đó vẫn đóng tại khu vực Praga nay đã xuất hiện trước căn cứ đầu cầu Pułtusk - Serock, nguyên soái K. K. Rokossovsky ra lệnh cho Tập đoàn quân 47 tiến lên phía bắc, đánh chiếm Praga; đồng thời yêu cầu tướng P. I. Batov chuẩn bị chiến dịch phòng ngự.[40]

Ngày 10 tháng 9, khi Tập đoàn quân 47 và Tập đoàn quân Ba Lan 1 nổ súng đánh chiếm quân Praga cũng là ngày mà các sư đoàn xe tăng Đức tung ra đòn phản kích quyết liệt vào Tập đoàn quân 65 tại khu vực đầu cầu Pułtusk - Serock. Tướng P. I. Batov đã qua sông Narev sang khu vực đầu cầu để trực tiếp chỉ huy các trận đánh phòng ngự. Quân Đức tổ chức cuộc tấn công mạnh nhất vào Quân đoàn bộ binh 18 (Tập đoàn quân 65) nhằm chọc thủng một lỗ hổng ở phía nam Pułtusk để từ đó tấn công dọc theo bờ Tây sông Narev xuống phía nam nhằm đánh chiếm một hành lang chia cắt chủ lực của Tập đoàn quân 65 và bao vây các lực lượng này ở bờ Tây sông Narev. Ý đồ này của tướng Walter Weiss nhanh chóng bị phát hiện. Tướng P. L. Romanenko được lệnh sử dụng Quân đoàn bộ binh 42 cùng các trung đoàn xe tăng 42, 231 và Trung đoàn pháo tự hành chống tăng 341 từ đầu cầu Rujan đánh vào sau lưng cánh quân xe tăng Đức đang tấn công vào Quân đoàn bộ binh 18 trên cánh phải Tập đoàn quân 65 tại bàn đạp Pułtusk - Serock. Quân đoàn xe tăng cận vệ 1, Lữ đoàn pháo chống tăng cận vệ 3, các trung đoàn pháo chống tăng 344, 345 và 543 được điều đến khu vực Pułtusk để chặn các sư đoàn xe tăng Đức.[44]

Sau bốn ngày tấn công, cả hai bên đều chịu những thiệt hại lớn tại khu vực đầu cầu Pułtusk - Serock. Chỉ trong ngày 11 tháng 9, Lữ đoàn xe tăng 104 (Đức) của thiếu tướng Weidenbrück đã bị mất 18 xe tăng Tiger. Đến cuối ngày 13 tháng 9, các sư đoàn xe tăng Đức đã không thể tiếp cận tuyến sông Narev, buộc phải rút khỏi thành phố Pułtusk và sau đó lui về Warshawa để đối phó với Tập đoàn quân Ba Lan 1 đang tiến hành các trận đánh vượt sông Wisla tại khu vực Praga. Tuy nhiên, các trận đánh phòng ngự đã làm tiêu hao nhiều sinh lực của Tập đoàn quân 65 (Liên Xô) khiến tập đoàn quân này chưa thể triển khai chiến dịch phối hợp với Tập đoàn quân 48 và cánh trái của Phương diện quân Byelorussia 2 tấn công vào Sokoluv, Radzymin, Modlin như kế hoạch đã định. Ngày 14 tháng 9, STAVKA ra lệnh cho nguyên soái K. K. Rokossovsky tạm hoãn chiến dịch và chuyển các tập đoàn quân trên cánh phải của Phương diện quân Byelorussia 1 sang tư thế phòng ngự.[42]

Giải phóng quận Praga

Binh sĩ của Tập đoàn quân Ba Lan 1 chuẩn bị xuồng để vượt sông Wisla, ngày 15 tháng 9 năm 1944

Cuộc phản công của quân Đức tại khu vực Praga - Volomin và cuộc "khởi nghĩa non" do Chính phủ Ba Lan lưu vong ở London và quân đội Krajowa của họ tổ chức đã làm đảo lộn các kế hoạch quân sự của quân đội Liên Xô tại khu vực trung lưu sông Wisla. Mặc dù tướng Tadeusz Bur-Komorowski, chỉ huy quân đội Krajowa tại Warshawa cự tuyệt việc liên lạc với quân đội Liên Xô nhưng Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô vẫn tìm mọi biện pháp trong điều kiện rất khó khăn để trợ giúp cho những người khởi nghĩa bởi tham gia khởi nghĩa không chỉ có quân đội Krajowa mà còn có nhiều thành viên của các đảng phái cánh tả như Đảng Công nhân Ba Lan, Đảng Dân chủ Ba Lan, Đảng xã hội Ba Lan, các chi đội thuộc Quân đội Ljudowa do Đảng Cộng sản Ba Lan lãnh đạo và cả thường dân Ba Lan còn sinh sống tại Warshawa.[45] Chỉ đến khi những người cánh tả thuộc Quân đội Ljudova trong hàng ngũ quân khởi nghĩa Warshawa liều mạng vượt sông Wisla để liên lạc được với quân đội Liên Xô thì Bộ Tổng tham mưu Liên Xô mới nắm được một số thông tin về tình cảnh thực sự của những người khởi nghĩa đang bị các sư đoàn xe tăng Đức vây hãm trong thành phố và chia cắt họ thành ba cụm.[46] Trong khi đó, các trận đánh ác liệt của Tập đoàn quân xe tăng 2 tại khu vực Volomin đã tiêu hao nhiều sinh lực, vũ khí, đạn dược và phương tiện của Phương diện quân Byelorussya 1. Ngày 10 tháng 9, nguyên soái K. K. Rokossovsky báo cáo với Đại bản doanh quân đội Liên Xô:

Chúng tôi chưa thể chuyển sang tấn công trước ngày 25 tháng 9 vì chưa kịp chuyên chở lên phía trước số đạn dược cần thiết ở mức tối thiểu trước thời hạn đó.
— K. K. Rokossovsky.[40]
Người dân Ba Lan đón tiếp các chiến sĩ của Lũ đoàn kỵ binh độc lập 1 thuộc Quân đội nhân dân Ba Lan

Về phía mình, STAVKA cũng thông báo cho K. K. Rokossovsky rằng lực lượng dự bị của Đại Bản doanh đang dành cho cuộc tấn công sắp triển khai tại hướng Yassy - Kishinev nên Phương diện quân Byelorussia 1 chỉ có thể dựa vào lực lượng dự bị còn lại của chính họ là Tập đoàn quân 70 với vỏn vẹn 4 sư đoàn bộ binh. Yêu cầu của K. K. Rokossovsky về việc chuyển Tập đoàn quân xe tăng 1 của tướng M. E. Katukov cho Phương diện quân Byelorussia 1 cũng không thể thực hiện được do tập đoàn quân này đang chiến dấu để chống lại các sư đoàn xe tăng Đức tại khu vực đầu cầu Sandomiez với tính chất ác liệt không kém khu vực Warshava. Bằng binh lực hiện có, ngày 25 tháng 8, Phương diện quân Byelorussia 1 nối lại cuộc tấn công những kết quả rất hạn chế. Các sư đoàn của Tập đoàn quân 2 (Đức) đã khống chế chặt chẽ các khu vực đầu cầu Ruzhan, Pułtusk và Serock khiến các Tập đoàn quân 48 và 65 không thể triển khai các trận tấn công lớn. Tập đoàn quân cận vệ 8 (Liên Xô) cũng phải rất vất vả mới giữ được đầu cầu Magnushev trước các cuộc phản kích của Quân đoàn bộ binh 35 (Đức). Ngày 29 tháng 9, Bộ Tổng tham mưu yêu cầu Phương diện quân Byelorussia 1 tiếp tục tấn công để tìm mọi cách đánh chiếm khu vực Praga.[20]

Ngày 7 tháng 9, trong các trận phòng thủ để giữ khu vực đầu cầu Narev, trinh sát của Tập đoàn quân 65 phát hiện một số sư đoàn xe tăng Đức trước đó đang tấn công ở khu vực Volomin nay đã xuất hiện phía trước trận địa của các quân đoàn bộ binh 46 và 105. Động thái này của quân Đức được báo cáo ngay lên Bộ tư lệnh Phương diện quân Byelorussia 1. Nguyên soát K. K. Rokossovsky cho rằng quân Đức đã phán đoán rằng quân đội Liên Xô sẽ hành động tích cực tại khu vực sông Narev và đề nghị Đại bản doanh cho mở cuộc tấn công vào quận Praga. Đại bản doanh đồng ý và yêu cầu thực hiện ngay.[42]

Ngày 10 tháng 9, Tập đoàn quân 47 của tướng N. I. Gusev bắt đầu tấn công lên phía bắc, Tập đoàn quân Ba Lan 1 tiến theo sau. Sau những hành động nhanh chóng và kiên quyết, đêm 13 tháng 10, Tập đoàn quân 47 và Tập đoàn quân Ba Lan 1 đã đánh chiếm quân Praga nằm ở bờ Đông sông Wisla. Mặc dù chiếm được địa bàn quan trọng này nhưng yếu tố bất ngờ của quân đội Lien Xô đã bị mất, trước khi rút các sư đoàn xe tăng khỏi khu vực Praga - Volomin, quân Đức đã phá hủy tất cả những cây cầu bắc qua sông Wisla từ Praga sang Volomin. Tập đoàn quân 47 và Tập đoàn quân Ba Lan 1 bị ngăn cách với Warshawa đã phải chiến đấu ác liệt suốt 45 ngày đêm để vượt qua con sông Wisla rộng và sâu. Để thu hẹp khoảng cách giữa hai cánh của Phương diện quân Byelorussia 1, Ngày 14 tháng 9, nguyên soái K. K. Rokossovsky lệnh cho Tập đoàn quân 47 chiếm lĩnh đoạn bờ Đông sông Wisla từ phía nam Serock đến Rembertuv thay cho chủ lực của Tập đoàn quân 65 đã vượt sông Wisla sang đầu cầu Pułtusk - Serock. Tập đoàn quân Ba Lan 1 có nhiệm vụ trấn giữ phòng tuyến tại khu vực Praga và trực tiếp chi viện cho cuộc khởi nghĩa Warshawa. Tập đoàn quân 70, lực lượng dự bị cuối cùng của Phương diện quân Byelorussia 1 được đưa đến khu Praga trợ giúp cho Tập đoàn quân Ba Lan 1.[47] Tuy nhiên, vẫn như trước đó một tháng, những người của quân đội Krajowa vẫn giữ thái độ bất hợp tác và im lặng kể cả khi các máy thu vô tuyến của họ bắt được làn sóng điện từ các điện đài của quân đội Liên Xô liên tục gọi đến.[48]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Lublin-Brest http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://armialudowa.com/ http://www.axishistory.com/index.php?id=6474 http://ww2db.com/battle_spec.php?battle_id=136 http://sti.clemson.edu/index.php?option=com_docman... http://leav-www.army.mil/fmso/documents/failures.h...